Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu các ngành nghề đều tăng trưởng, đặc biệt như ngành Dệt may tăng trưởng ở mức 16% so với những năm trước chỉ duy trì mức 8-10%, ngành da giày tăng trưởng 8,3%. Đạt được kết quả này, có rất nhiều yếu tố mang tính quyết định, đó là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các hiệp định thương mại bước đầu có hiệu lực, đặc biệt các doanh nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng các ứng dụng công nghệ từ cơ bản đến hiện đại một cách đồng bộ. Những ứng dụng đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt, ví dụ tại Tập đoàn dệt may Việt Nam, từ 100 công nhân giảm còn 20 công nhân tại mỗi nhà máy trên 2 vạn cọc sợi, giảm từ 11 lần xuống còn 5 lần nước trong một lần vải tại nhà máy nhuộm.
Việc ứng dụng sản xuất thông minh giúp doanh nghiệp tối ưu hóa năng suất lao động, nâng cao hiệu suất làm việc của hệ thống máy móc thiết bị, giảm thiểu các khoảng thời gian dừng sản xuất vì sự cố, tối ưu thời gian cho hoạt động sản xuất. Giải pháp cũng giám sát nâng cao hiệu quả về chất lượng, từ đó nâng cao hiệu quả tổng thể đối với việc sử dụng máy móc, thiết bị.
Giải pháp “sản xuất thông minh” bao gồm hệ thống cảm biến được gắn tại các vị trí then chốt, giám sát vận hành (andon), kết nối và thu thập dữ liệu, tín hiệu và để sử dụng phân tích, đánh giá hiệu quả. Đồng thời, việc triển khai hệ thống phần mềm Quản lý sản xuất như ERP, MES sẽ giúp doanh nghiệp có hệ thống tổng thể, liên thông và tự động kết nối, phân tích để hỗ trợ ra quyết định, nâng cao hiệu quả sản xuất, thích ứng với các thay đổi của thị trường yêu cầu. Đây cũng là 1 trong những yêu cầu của các hệ thống phân phối, các khách hàng lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Một khi doanh nghiệp đáp ứng và kết nối vào hệ thống sẽ giúp tăng năng lực cung ứng, đáp ứng về sản lượng, tiến độ và chất lượng, giúp tăng đơn hàng và phát triển sản xuất.
Năm 2019, việc ứng dụng sản xuất thông minh sẽ diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp sản xuất trong mọi lĩnh vực sẽ cần phải thích ứng để bắt kịp và phát triển bền vừng trong thời đại công nghệ hiện nay. Đây là thách thức nhưng mang lại cơ hội lớn để “ăn nên làm ra” cho các doanh nghiệp sản xuất, mũi nhọn là các ngành dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chính xác hoặc phụ tùng ô tô…