Nói đến công nghệ, ngày nay khái niệm thường được nhắc đến là CMCN 4.0. Nhưng bản chất nó là gì và nó ảnh hưởng đến các ngành nghề nói chung, ngành công nghiệp dệt may nói riêng là điều cần phải liên tục tìm hiểu, chia sẻ và thảo luân.
Cuộc CMCN 4.0 nó làm thay đổi tư duy và phương thức truyền thống trong hoạt động sản xuất và kinh doanh đối với mọi ngành công nghiệp. Nó làm thay đổi cách thức vận hành của chuỗi cung ứng toàn cầu, từ cách thức tiếp cận và chăm sóc khách hàng, đến hoạt động điều phối logistics và đặt hàng nhà cung cấp. Nó cũng làm cách thức vận hành sản xuất thay đổi, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất và năng lực cung ứng, giảm thiểu chi phí, đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu tốt, ổn định chất lượng sản phẩm đầu ra.
Tuy nhiên, để ứng dụng tự động hoá một cách triệt để và đồng bộ là điều bất khả thi khi xét về nguồn lực về tài chính, công nghệ và con người. Chính vì thế, từng bước tiếp cận “sản xuất thông minh” là hướng đi cho sản xuất nói chung và dệt may nói riêng trong giai đoạn hiện tại.
Giải pháp ứng dụng “sản xuất thông minh” bao gồm việc triển khai các hệ thống cảm biến tại từng điểm thao tác để thu thập thông tin, kết nối đồng thời tạo thành kho dữ liệu tức thời và đầy đủ, phục vụ phân tích và đánh giá hiệu quả. Từ những phân tích đó, nhà quản lý biết được các điểm chưa hiệu quả, các yếu tố gây lãng phí, hao hut… để từng bước cải tiến, nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị, từ đó nâng cao năng suất lao động, năng lực cung ứng và nâng cao năng lực canh tranh của doanh nghiệp.
Tại buổi hội thảo, các đại biểu đến từ các công ty Dệt – May rất quan tâm đến các chỉ số làm ảnh hưởng đến tính hiệu quả sử dụng thiết bị và cách thức cải tiến, cùng đặt câu hỏi và thảo luận. Điều đó thể hiện các doanh nghiệp đã sẵn sàng mở tư duy cho việc tiếp cận công nghệ và ứng dụng vào hoạt động sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện những bước đi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, thích ứng với sự phát triển trong thời đại CMCN 4.0.
Điểm qua các gian hàng tại HanoiTex 2018 cho thấy, các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất đều sẵn sàng để tích hợp và kết nối, thích ứng cho Kết nối vạn vật (Internet of things). Điều đó cũng khẳng định thêm một lần nữa: xu hướng CMCN 4.0 và sản xuất thông minh đang diễn ra từng giây chung quanh chúng ta như chúng ta đang hít thở bầu không khí vậy. Chúng ta cần phải nghiên cứu, từng bước ứng dụng phù hợp và linh hoạt để thích ứng, trụ vững và phát triển bền vững
mà không bị bỏ lại phía sau.