Dệt may là một trong những ngành đóng góp rất lớn đối với nền kinh tế của Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp ngành dệt may đã mang về cho Việt Nam nhiều giá trị thông qua xuất khẩu. Trong những năm vừa qua, mặc dù tổng cầu trên thế giới sụt giảm, nhưng với sự nhạy bén của mình, các doanh nghiệp dệt may đã có những dự báo chính xác, đón đầu các xu hướng dịch chuyển sản xuất, giúp cho mức tăng trưởng của ngành phát triển liên tục và mạnh mẽ.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2017, giá trị xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam đạt 31 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 10% so với năm 2016. Để đạt được những thành công đó, theo đánh giá của VITAS thì yếu tố then chốt chính là “tăng năng suất lao động”. Để tăng năng suất lao động được hiệu quả, các doanh nghiệp dệt may lựa chọn cách tự động hóa trong sản xuất, nâng cao tính tinh gọn, đầu tư vào máy móc, trang thiết bị và nâng cao năng lực đào tạo, phát triển và gắn kết lao động.
Trong cuộc CMCN 4.0, nhiều chuyên gia nhận định rằng, ngành dệt may sẽ chịu tác động rất lớn theo chiều hướng khó khăn. Cụ thể như: rô bốt sẽ được sử dụng hàng loạt, nhân công bị sa thải, mất việc, các đơn hàng sẽ giảm, việc đầu tư máy móc sẽ làm chi phí tăng cao…
Tuy nhiên, do đặc thù của là chạy theo thời trang của thị trường, nên việc thay đổi về mẫu mã, chất liệu…diễn ra liên tục. Chính vì lý do đó nên việc đưa rô bốt và các quy trình để tự động hoá hoàn toàn là rất khó xảy ra. Ví dụ, rô bốt tự động chỉ thực hiện có hiệu quả khi thực hiện những lô hàng số lượng lớn, với mẫu mã cố định, thực hiện lặp đi lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên với các sản phẩm cần mang tính tuỳ biến, cá thể hoá thì không tránh khỏi sự cần thiết của những bàn tay khéo léo của những người thợ. Ngoài ra, việc đầu tư những dây chuyền sản xuất tự động, hệ thống rô bốt…đòi hỏi rất lớn, dẫn đến hoạt động đầu tư chưa đem lại hiệu quả cao hơn so với sử dụng lao động. Chính vì vậy, ngành may mặc không quá áp lực với cuộc CMCN 4.0, mà vấn đề quan trọng nhất là cần phải giải quyết bài toán nâng cao tỷ lệ tự động hoá cao nhất có thể, đảm bảo năng suất lao động mà không quá phụ thuộc vào tình trạng “khát” nguồn nhân lực như hiện nay.
Đối với các doanh nghiệp ngành dệt may, việc áp dụng sản xuất tinh gọn (lean manufacturing) đã chứng minh tính khả thi và đạt hiệu quả. Ngoài những công cụ và phương pháp của lean, việc ứng dụng tự động hoá trong hoạt động sản xuất là phương pháp hiệu quả, giúp nâng cao hiệu suất làm việc của hệ thống máy móc, tối ưu thời gian lao động của công nhân, giảm thiểu thời gian ngưng hoạt động do các sự cố. Đồng thời, các hệ thống tự động hoá cũng giúp doanh nghiệp thu thập thông tin về tình trạng hoạt động, thời gian xảy ra các sự cố hoặc thời gian ngưng nghỉ của máy móc, công nhân. Những thông tin này tạo thành 1 kho dữ liệu giúp phân tích và đưa ra các giải pháp tối ưu hiệu suất, giúp lãnh đạo doanh nghiệp đưa ra những quyết định làm tăng hiệu quả, nâng cao năng suất lao động trong doanh nghiệp.
CMCN 4.0 đang diễn ra, tuy nhiên, hãy áp dụng nó theo cách thức đơn giản, gần gũi và phù hợp nhất đối với đặc thù của doanh nghiệp hay của ngành. Việc ứng dụng linh hoạt và thực tế như ngành dệt may là ví dụ điển hình.