Sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing), gọi tắt là LEAN là một nhóm các phương pháp quản trị được áp dụng rộng rãi trên thế giới, nhằm tinh gọn hóa sản xuất, giảm lãng phí, loại bỏ những bất hợp lý, giảm chi phí sản xuất, tăng sản lượng, rút ngắn thời gian sản xuất và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Trong thực tế, rất nhiều nhà máy, đơn vị sản xuất trong ngành công nghiệp phụ trợ đã áp dụng Lean và đã đạt được những thành công vượt trội, mặc dù phải trải qua những trục trặc khi bắt đầu đưa vào vận hành. Nổi trội trong số các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả là ngành Dệt may. Có thể điểm qua hiệu quả tại một số doanh nghiệp dệt may hàng đầu như Tổng công ty May 10, Tổng công ty May Nhà Bè, Tổng công ty Đức Giang, Công ty CP May Nam Định, Công ty may Việt Tiến… Cụ thể, tại Tổng công ty May 10, năng suất lao động tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm mà thu nhập của người lao động lại tăng trên 10%, kể từ khi áp dụng thành công Lean. Tại Việt Tiến, sau lần đầu thất bại khi áp dụng Lean năm 2007, lãnh đạo công ty quyết tâm thực hiện lại và năm 2008 và đã mang lại thành công, năng suất lao động tăng bình quân 20%, giảm hàng lỗi, tiết kiệm mặt bằng để mở rộng sản xuất, tiết kiệm chi phí để đầu tư áp dụng công nghệ sản xuất mới. Tổng công ty May Nhà Bè cũng áp dụng thanh công Lead, giúp tăng năng suất lao động hơn 20%, giúp ổn định chất lượng sản phẩm và tiến độ sản xuất, giảm hàng tồn từ 30 sản phẩm xuống còn 3 sản phẩm, hàng lỗi giảm từ 20% xuống còn dưới 3%, giảm giờ 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và không xảy ra tình trặng tăng ca, kíp.
Mô hình Lean sử dụng các quy trình và công cụ để giúp kiểm soát và tối ưu, đảm bảo giảm lãng phí, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu suất làm việc và hỗ trợ kiểm soát tiến độ, chất lượng kịp thời. Việc ứng dụng công nghệ vào các quy trình đó giúp việc vận hành trơn tru, nhanh chóng, chính xác và hiệu quả hơn. Và Andon là một trong những ứng dụng đó.
Andon là khái niệm được khởi xướng bởi Toyota, và sau đó đã trở thành một phần không thể tách rời trong Lean Manufacturing. Andon là hệ thống giám sát liên tục, thông báo, cảnh báo tức thì về các vấn đề trong quá trình sản xuất, từ các sự cố đến yêu cầu bảo trì hay các nhu cầu về nhân lực, vật lực, tình trạng chất lượng…giúp tăng cường kiểm soát trong quá trình sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng và tối ưu chi phí thông qua việc tối ưu công suất hoạt động của máy và công nhân.
Với cơ chế giám sát và cảnh báo liên tục, khi xảy ra sự cố hoặc có các yêu cầu hỗ trợ, hệ thống andon tự động kích hoạt và thông báo đến các bộ phận liên quan. Ví dụ khi máy gặp lỗi ngưng vận hành, hệ thống sẽ thông báo đến yêu cầu bảo trì ngay lập tức thông qua màn hình theo dõi tại Bộ phận bảo trì cũng như các màn hình đặt tại sảnh/dây chuyền về dạng lỗi và vị trí xảy ra lỗi, phát thông báo trên hệ thống loa bằng âm thanh tuỳ chọn, đồng thời tại vị trí xảy ra lỗi sẽ có đèn tháp nhấp nháy với màu tương ứng lỗi đó để chỉ dẫn cho cán bộ bảo trì nhanh chóng tiếp cận và xử lý.
Trong quá trình sản xuất, các tình huống xảy ra như hết nguyên vật liệu, sản phẩm đã đầy giỏ… thì công nhân có thể phát yêu cầu tức thời, gọi bộ phận logistics yêu cầu cung cấp vật tư, chuyển hàng hoá đến các công đoạn tiếp theo. Hệ thống andon cũng sẽ cung cấp tính năng thể hiện tình trạng lỗi tại từng thời điểm giúp nhanh chóng nắm bắt, kiểm soát tình trạng lỗi và có phương án xử lý kịp thời. Tình trạng chất lượng được thể hiện trực quan với bảng màu của hệ thống đèn với bộ màu đèn thể hiện mức độ tình trạng chất lượng tương ứng. Ví dụ tỷ lệ lỗi trong khoảng cho phép, đèn sẽ thể hiện màu xanh, ngược lại, nếu tỷ lệ lỗi vượt mức cho phép thì đèn sẽ thể hiện màu vàng hoặc đỏ tuỳ ngưỡng đã đặt. Thông qua đèn màu, công nhân tại các vị trí nắm bắt ngay để biết và có phương án khắc phục, quản lý hoặc bộ phận kiểm soát chất lượng dễ dàng có thông tin tức thời cũng như có phương án xử lý phù hợp.
Toàn bộ thông tin từ hệ thống thiết bị sẽ được thu thập và lưu trữ bởi phần mềm andon, quản lý tập trung tình trạng vận hành, cho phép nhà quản lý xem các báo cáo về tình trạng vận hành, tỷ lệ xảy ra sự cố, mức độ đạt chất lượng của từng dây chuyền, từng ca máy, từng phân xưởng hoặc từng công nhân. Phần mềm cũng cung cấp các biểu đồ thể hiện sự biến thiên của các chỉ tiêu theo từng khoản thời gian, thể hiện xu hướng cải thiện của tình trạng sự cố, cung cấp vật tư hoặc kiểm soát chất lượng trong sản xuất.
Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ tự động hoá vào sản xuất kinh doanh là xu thế không thể thiếu. Và hệ thống Andon là một phần không thể thiếu trong Sản xuất tinh gọn, giúp doanh nghiệp tối ưu sản xuất, giảm thiểu chi phí, đảm bảo chất lượng và tiến độ, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực canh tranh và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.