Một trong những triết lý tinh gọn (Lean) của Toyota là quản lý bằng mắt. Các hệ thống tự động hóa mang ý nghĩa: nếu có vấn đề sản xuất bất thường phải dừng máy móc, thiết bị. Điểm mấu chốt ở đây chính là việc phân biệt rõ ràng, đâu là bình thường và đâu là bất thường. Về chất lượng thì đó là việc làm lộ mặt các sản phẩm xấu, lỗi. Về số lượng thì đó là việc làm sao thấy được rằng việc sản xuất đang kịp hay không kịp kế hoạch. Đây được xem là cách nghĩ đơn giản và đúng với tất cả các sự việc. Vậy nên quản lý bằng mắt được Toyota thực hiện một cách triệt để. Hệ thống Andon là một ví dụ điển hình tiêu biểu.
Thời kỳ đầu, Toyota sử dụng cột đèn Andon treo từng máy trong xưởng sản xuất, dây chuyền sản xuất hoạt động ở trạng thái bình thường, đèn có màu xanh lá cây. Giả sử trường hợp người công nhân muốn nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài để điều chỉnh tiến độ công việc (do có lỗi, do bị chậm..) lúc này sẽ hiển thị đèn màu cam. Khi cần thiết phải dừng line để sửa lỗi, tín hiệu đèn Andon sẽ chuyển sang màu đỏ. Để loại bỏ những trạng thái bất thường việc dừng line là cần thiết.
Khoa học công nghệ phát triển, hệ thống Andon được di chuyển từ bảng Andon tĩnh tới cảnh báo thời gian thực trên biển báo kỹ thuật số hay màn hình TV, máy tính… Hệ thống Andon là sự kết hợp của:
- Màn hình khu vực sản xuất lớn
- Sử dụng thiết bị vận hành hiện tại và thiết bị đầu cuối khu vực sản xuất
- Công nghệ cảnh bảo: email hoặc tin nhắn SMS hoặc kết hợp
- Cải thiện thông tin liên lạc giữa các nhà khai thác và kỹ sư, nhân công vận hành
- Hiển thị tối đa các cảnh báo: hình ảnh đèn báo, âm thanh …
- Cải tiến OEE và chất lượng (OEE là chỉ số được dùng để đo lường hiệu quả hoạt động của thiết bị một cách tổng thể thông qua cả 3 mặt nguồn lực là thời gian, nhân lực và tốc độ vận hành)
Hệ thống Andon trong sản xuất tinh gọn của Toyota
Sử dụng hệ thống Andon trong sản xuất tinh gọn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, hệ thống cung cấp:
- Khả năng hiển thị minh bạch trong quá trình sản xuất của máy móc thiết bị và nhân công
- Tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất
- Hạn chế tối đa sản phẩm dư thừa, lỗi…
Về lâu dài, hệ thống giúp:
- Giảm chi phí và thời gian chết của máy móc, thiết bị.
- Nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp
- Các nhà quản lý điều hành có cái nhìn tổng quát về hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời điểu chỉnh nếu có bất thường.
- Cải tiến hiệu quả hoạt động của quá trình sản xuất.
Giống như hầu hết các nguyên tắc của sản xuất Tinh gọn Lean, bản thân Hệ thống Andon không có giá trị nếu không hiểu và áp dụng đúng. Khi được sử dụng đúng mục đích, hệ thống sẽ đem lại những tác dụng rất lớn, nâng cao lợi nhuận và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.