Lean là một nhóm công cụ và phương pháp, hiện đang được áp dụng ngày càng rộng rãi trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nhằm loại bỏ lãng phí và những bất hợp lý trong quy trình sản xuất, để có chi phí thấp hơn và tính cạnh tranh cao hơn cho nhà sản xuất.
Nguyên lý của Lean là giúp cho các doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, thời gian giao hàng từ đó tiết kiệm chi phí tối đa đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Áp dụng công nghệ Lean các công đoạn được kết nối thông qua dòng chảy liên tục; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tại từng thao tác và công đoạn. Lean sẽ giúp cho việc lập kế hoạch, tính toán chính xác các công đoạn phù hợp với tiến độ sản xuất, giảm thiểu nguyên phụ liệu và hàng tồn từ đó tiết kiệm chi phí quản lý tăng năng suất và chất lượng cải thiện mối quan hệ với nhà cung cấp và nhà nhập khẩu sản phẩm may mặc.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội – đơn vị tư vấn Lean cho nhiều doanh nghiệp dệt may trao đổi với PV báo chí cho biết: “Lean sau khi áp dụng sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích như: giảm phế phẩm, giảm sự lãng phí; giảm thời gian quy trình và chu kỳ sản xuất; giảm thiểu mức hàng tồn kho ở tất cả công đoạn sản xuất; bảo đảm công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc; tận dụng thiết bị và mặt bằng; có khả năng sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau một cách linh động hơn với chi phí và thời gian chuyển đổi thấp nhất; doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng một cách đáng kể từ cơ sở vật chất hiện có. Nhiều doanh nghiệp dệt may sau khi được chúng tôi tư vấn đã áp dụng thành công Lean vào sản xuất như: Tổng Công ty CP May Việt Tiến, Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Đức Giang, Công ty CP May Nam Định…”.
Theo đó, tại Tổng công ty May 10, sau khi áp dụng mô hình Lean, năng suất lao động tăng 52%, tỷ lệ hàng lỗi giảm 8%, giảm giờ làm 1 giờ/ngày, tăng thu nhập trên 10%, giảm chi phí sản xuất từ 5-10%/năm.
Cũng nhờ áp dụng Lean, năng suất toàn hệ thống của Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP đã tăng hơn 20% và điều quan trọng hơn là tạo sự cộng hưởng thi đua trong sản xuất của các đơn vị. Năng suất, chất lượng của từng chuyền đã được ổn định và kiểm soát qua từng giờ sản xuất. Thu nhập của người lao động tăng lên đáng kể. Đặc biệt từ khi áp dụng Lean, May Nhà Bè đã giảm giờ làm cho công nhân 1 giờ/ngày, được nghỉ chiều thứ 7 và tuyệt đối không phải làm ca, kíp.
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), công tác quản lý năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp dệt may trong tập đoàn đã được nhiều đơn vị quan tâm đầu tư từ nhiều năm trở lại đây. Không ít doanh nghiệp trong ngành đã ý thức được việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp chính vì vậy có rất nhiều hình thức được áp dụng. Trong đó có việc ứng dụng công nghệ Lean (sản xuất tinh gọn), trong đó hai công ty may mặc đã chứng minh được tính hiệu quả của công nghệ này là Việt Tiến và Công ty Cổ phần May Hòa Thọ Duy Xuyên.
Việt Tiến là đơn vị áp dụng LEAN từ năm 2007 và thất bại, không dừng lại, sang năm 2008 Việt Tiến lại tiến hành áp dụng LEAN lần 2 và bắt đầu thành công. Kết quả do áp dụng LEAN mang lại rất khả quan cho đơn vị: tiền lương công nhân tăng, giảm hàng lỗi, tiết kiệm mặt bằng để đầu tư thêm dây chuyền sản xuất mới mà không phải xây dựng nhà xưởng… Việc áp dụng công nghệ sản xuất mới theo phương pháp công nghệ Lean từ năm 2008 đến hiện nay đã phát huy tác dụng làm cho năng suất lao động nâng cao rõ rệt, tăng bình quân 20% so với trước đây.
Công ty CP May Hòa Thọ (Duy Xuyên) cũng là một đơn vị may áp dụng Lean thành công. Với Công ty CP May Hòa Thọ Duy Xuyên, đây là một giải pháp tăng năng suất lao động hiệu quả, giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian sản xuất, thời gian giao hàng từ đó tiết kiệm chi phí tối đa đem lại giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Sau khi áp dụng ở 3 nhà máy thuộc Tổng Công ty Dệt May Hòa Thọ, Công ty CP May Hòa Thọ (Duy Xuyên) đã đầu tư chuyển đổi toàn bộ 8 dây chuyền theo mô hình Lean. Với mô hình này, cùng với hệ thống máy điện tử được đầu tư mới, các khâu sản xuất sẽ được tiết giảm. Việc thiết lập chuyền may theo hình chữ U đã giúp cho các chuyền trưởng bao quát và giám sát được quy trình sản xuất, có giải pháp hỗ trợ kịp thời để dây chuyền không bị gián đoạn giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, vừa giải quyết được vấn đề thu nhập cho người lao động, giảm được sự cạnh tranh về lao động với các đơn vị khác.