Bảng Andon thể hiện sự cố, các vấn đề gây dừng sản xuất, cũng thể hiện được sản lượng kế hoạch, mục tiêu và thực tế để giám sát và thúc đẩy quá trình sản xuất.
Một cấu phần có thể xem là cốt lõi của Andon đó là hệ thống thông báo sự cố – hiểu rộng ra đó là các thất bại trong quá trình sản xuất theo triết lý của Toyota. Khi có bất thường, người công nhân sẽ kéo dây hoặc bấm nút tại vị trí của mình để đèn Andon sáng thông báo, còi được kích hoạt, bảng Andon thể hiện sự cố, đồng thời dừng dây chuyền sản xuất.
Khi Andon thông báo sự cố đó, những bộ phận liên quan sẽ tập trung lại để giải quyết vấn đề, làm giảm thời gian ngừng dây chuyền cũng như xử lý triệt để vấn đề gây ra sự cố đó. Người công nhân báo sự cố và dừng chuyền đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hay mắng phạt. Nhân viên sẽ xác nhận và báo cáo sự thực có liên quan như trình tự làm việc, sự cố phát sinh như thế nào… Sau đó chỉ cần chờ đợi các bộ phận liên quan giải quyết vấn đề và cho dây chuyền hoạt động trở lại. Văn hóa “Dừng – Gọi – Đợi” đã ăn sâu vào suy nghĩ của từng con người tại Toyota.
Điểm mấu chốt là không mắng phạt người công nhân đã báo sự cố và dừng chuyền. Ngược lại, người báo sự cố trên hệ thống andon còn được những người xung quanh nói “Cảm ơn vì đã báo sự cố lên Andon”, đó là văn hóa Toyota.
Nếu báo sự cố andon mà bị trách phạt từ cấp trên, thì đương nhiên khi có vấn đề bất thường, cấp dưới sẽ muốn che giấu bằng những suy nghĩ: “Lỗi này chắc không vấn đề gì đâu”, “Chắc sẽ không ai phát hiện ra đâu” và tiếp tục đẩy xuống công đoạn sau, kết cục là sẽ phát sinh ra vấn đề lớn hơn nhiều.
Bí quyết của Toyota để đưa những thất bại dễ bị che giấu ra ngoài là không truy cứu trách nhiệm đương sự, mà tập trung vào việc tìm nguyên nhân cốt lõi gây ra vấn đề. Đó là lợi ích to lớn mà hệ thống Andon mang lại cho sản xuất.